Căn cứ pháp lý
– Thông tư 201/2013/TT-BTC Hướng dẫn phương pháp xác định giá tính thuế APA trong quản lý thuế
Theo quy định của pháp luật, Doanh nghiệp đã ký kết với cơ quan thuế Thỏa thuận trước về Xác định giá tính thuế và thực hiện đầy đủ việc nộp các báo cáo thường niên theo quy định thì sẽ không phải lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết.
Mục lục
- 1. Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) là gì?
- 2. Phân loại APA
- 3. Điều kiện áp dụng thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế:
- 4. Đối tượng áp dụng thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế
- 5. Các giao dịch được áp dụng thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế
- 6. Thủ tục áp dụng
1. Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) là gì?
Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA – Advance Pricing Agreement) là thỏa thuận giữa cơ quan thuế và người nộp thuế về việc áp dụng chính sách thuế trong tương lai (phương pháp xác định giá thị trường, các công ty độc lập để so sánh, các điều chỉnh cần thiết và các giả định mang tính chất quan trọng liên quan đến điều kiện kinh doanh trong tương lai nhằm mục đích xác định trước giá chuyển giao cho các giao dịch nhất định trong một khoảng thời gian xác định).
Như vậy có thể thấy:
– Phương pháp APA có thể là một giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu rủi ro về giá chuyển nhượng cho nhiều đối tượng nộp thuế bằng cách đảm bảo lợi nhuận tương lai được cơ quan thuế chấp nhận ở mức hợp lý.
– Chỉ có ý nghĩa tính thuế, ràng buộc giữa NNT và cơ quan thuế, không có giá trị ràng buộc về giá giữa người mua và người bán
2. Phân loại APA
2.1. APA đơn phương: Là thỏa thuận giữa người nộp thuế/doanh nghiệp và cơ quan thuế của quốc gia đó.
2.2. APA song phương: Là thỏa thuận giữa doanh nghiệp, cơ quan thuế trong nước và một cơ quan thuế nước ngoài.
2.3. APA đa phương: Là thỏa thuận giữa doanh nghiệp, cơ quan thuế trong nước và hai hoặc nhiều cơ quan thuế nước ngoài.
3. Điều kiện áp dụng thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế:
(*) Có trước khi thực hiện nghĩa vụ kê khai, nộp thuế cho năm đầu tiên của giai đoạn đề nghị áp dụng phương pháp này.
4. Đối tượng áp dụng thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế
- Các tổ chức, đơn vị có quan hệ liên kết trong một doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế hoạt động tại nhiều địa bàn khác nhau;
- Các tổ chức, đơn vị có mối quan hệ là cơ sở thường trú và trụ sở chính của doanh nghiệp.
5. Các giao dịch được áp dụng thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế
- Giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết, trừ các giao dịch kinh doanh liên quan đến hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá theo quy định pháp luật về giá;
- Có thể áp dụng phương pháp này cho một hoặc nhiều giao dịch nêu trên. Các giao dịch kinh doanh có mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau để tạo thành một giao dịch tổng thể.
Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế
6. Thủ tục áp dụng
Lưu ý: Người nộp thuế tự xác định và đề nghị hình thức APA là đơn phương hay song phương, đa phương tại thời điểm nộp hồ sơ.
Cụ thể:
6.1. Đề nghị tham vấn áp dụng APA: Đơn đề nghị tham vấn APA Mẫu số 1/APA-TV bao gồm các thông tin như:
- Loại hình APA đề nghị áp dụng và thời gian đề nghị áp dụng;
- Thông tin chi tiết về các bên tham gia giao dịch liên kết và các giao dịch liên kết thuộc phạm vi APA;
- Phân tích về tài sản, chức năng, rủi ro cũng như các giả định trọng yếu về điều kiệp áp dụng APA;
- Tóm tắt về các cuộc thanh tra thuế đã thực hiện;
- Thông tin về các APA đã ký với bên nước ngoài và quan điểm của cơ quan thuế nước ngoài (nếu có).
Số lượng hồ sơ: 01 (bộ)
Thời hạn giải quyết: 30 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc tham vấn.
Cơ quan thực hiện: Tổng cục Thuế
Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Văn bản trả lời người nộp thuế về việc chấp thuận hoặc (lý do) không chấp thuận cho phép người nộp thuế nộp hồ sơ đề nghị APA chính thức.
Lệ phí: Không có.
6.2. Đề nghị áp dụng APA chính thức: Mẫu số 2/APA-CT ban hành kèm theo Thông tư 201.
Trong đề nghị này, Doanh nghiệp cần cung cấp chi tiết các thông tin về bên tham gia giao dịch liên kết cũng như các giao dịch liên quan đề nghị áp dụng APA và các thông tin quan trọng như:
- Mô tả chiến lược kinh doanh người nộp thuế dự kiến sẽ thực hiện trong thời gian đề nghị áp dụng APA.
- Đưa ra phân tích thông tin kinh tế ngành.
- Phân tích chức năng, tài sản sử dụng và rủi ro phải chịu trong thời gian dự định áp dụng APA của doanh nghiệp và các bên liên kết.
- Báo cáo tài chính đã được kiểm toán độc lập, báo cáo thường niên và tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm liền trước năm đề nghị áp dụng APA của người nộp thuế.
- Tài liệu liên quan đến phương pháp xác định giá thị trường.
Số lượng hồ sơ: 03 bộ
Thời hạn nộp: Trong thời hạn 120 ngày kể từ ngày người nộp thuế nhận được văn bản chấp thuận của Tổng cục Thuế về việc nộp hồ sơ APA chính thức.
Lưu ý: Hồ sơ đề nghị áp dụng APA được viết bằng ngôn ngữ tiếng Việt; trường hợp hồ sơ đề nghị áp dụng APA song phương và đa phương thì hồ sơ được viết bằng ngôn ngữ tiếng Việt và có bản dịch bằng tiếng Anh.
6.3. Thẩm định hồ sơ APA
Thời hạn: Tối đa là 90 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị áp dụng APA chính thức của người nộp thuế theo quy định.
Trường hợp kéo dài quá 90 ngày, Tổng cục Thuế thông báo bằng văn bản cho người nộp thuế về việc kéo dài thời gian thẩm định. Thời gian kéo dài không quá 60 ngày.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị áp dụng APA chính thức của người nộp thuế, Tổng cục Thuế và người nộp thuế sẽ tổ chức họp trao đổi, thống nhất kế hoạch, trình tự thực hiện các bước tiếp theo để giải quyết hồ sơ đề nghị áp dụng APA.
Dự thảo APA sau khi đã được cơ quan thuế và người nộp thuế hoặc được các cơ quan thuế có liên quan thống nhất toàn bộ nội dung được gọi là dự thảo cuối cùng và sẽ được tiến hành ký kết để lưu hành.
Để cụ thể hóa thủ tục hồ sơ áp dụng APA ngày 23 tháng 03 năm 2015 Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 558/QĐ-CT hướng dẫn chi tiết về trình tự thủ tục, hồ sơ như sau:
- Đề nghị tham vấn áp dụng APA
- Đề nghị áp dụng APA chính thức
- Thỏa thuận song phương
- Rút đơn và dừng đàm phán APA
- Sửa đổi APA
- Hủy bỏ APA
- Báo cáo APA thường niên và đột xuất
Theo đó, trừ báo cáo APA thường niên và đột xuất thuộc phạm vị quản lý của Cục thuế địa phương, các bộ tài liệu còn lại do Tổng Cục Thuế trực tiếp tiếp nhận và xử lý.
Ban tư vấn ThangLong-TDK-MB